Quy trình giặt khô công nghiệp - Phần 2, TheOne jsc - Việt Nam
1. Lịch sử của dung môi giặt khô:
- Hiện nay trên thị trường và ngành giặt là, phổ biến nhất là 02 loại dung môi Perc và Hydrocarbon. Giống như hầu hết các phát minh khác trên thế giới, sự tìm ra loại dung môi giặt thay thế nước xảy ra một cách tình cờ vào năm 1849. Jean Baptiste Jolly - một thợ nhuộm người Pháp đã phát hiện ra rằng chiếc khăn bàn của ông trở nên sạch hơn khi người giúp việc của ông nhỡ tay làm đổ dầu đèn Camphene lên đó. Ông này sau đó đã phát triển ra dịch vụ làm sạch quần áo cho mọi người dựa trên sự tình cờ này, và đó là bước đầu tiên của dịch vụ giặt khô hiện đại ngày nay.
- Sơ khai của ngành giặt khô dựa trên 2 loại dung môi cơ bản là xăng và dầu hoả, tuy nhiên đây là các loại dung môi có khả năng gây cháy cao và thực tế đã gây ra nhiều vụ hoả hoạn và cháy nổ thời kỳ đó, buộc các nhà quản lý phải đưa ra nhiều nguyên tắc và quy định cho ngành này.
- Sau chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, ngành hoá học phát triển, các loại dung môi tổng hợp dễ bay hơi bắt đầu được sản xuất, như Carbon tetrachloride (CCl4), Trichlorethylene (C2HCl3) mở đường cho loại dung môi phổ biến nhất hiện nay ra đời: TetraChloroethylene (Cl2C=CCl2) hay còn được biết dưới tên PERC.
- Trong lịch sử phát triển của ngành giặt khô đến ngày nay, các loại dung môi đã được sử dụng bao gồm: Xăng, Dầu hoả, Glycol ethers, WhiteSpirit, D5, 113, Perc; và hiện nay là xu hướng sử dụng các loại dung môi thân thiện hơn với môi trường như Hydrocarbon, Green Earth, Liquid CO2và K4 system by Kreussler; trong đó Hydrocarbon là loại dung môi phổ biến hơn cả.
2. Perc – Chất độc hay Cú hích cho sự phát triển ngành giặt khô
- Có thể nói trước khi Perc xuất hiện, các loại dung môi giặt khô đều không thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu của người sử dụng. Từ những năm 1950 khi lần đầu tiên Perc được giới thiệu, ngành dịch vụ giặt khô phát triển nhanh chóng nhờ những ưu điểm của loại dung môi này mang lại như khả năng làm sạch cao hơn rất nhiều so với các loại dung môi trước đây, ổn định, không cháy và an toàn với hầu hết mọi loại vải. Ngoài ra, với loại dung môi này yêu cầu các loại thiết bị ít cồng kềnh hơn, chiếm diện tích ít hơn và dễ lắp đặt hơn. Perc có khả năng tái sử dụng và quay vòng nhờ đó tiết kiệm được chi phí hoạt động và giảm giá thành giặt khô. Sau 12 năm, tới năm 1962, 90% lượng Perc sản xuất tại Mỹ được sử dụng trong ngành công nghiệp giặt khô.
- Nhờ những đặc điểm và khả năng hứa hẹn này mà Perc dần dần trở thành loại dung môi giặt khô phổ biến nhất trên thế giới, thành cú hích cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành giặt khô và đó cũng là động lực để các loại thiết bị giặt khô tiên tiến như chúng ta thấy ngày này hình thành và phát triển. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều lo ngại về việc sử dụng PERC đối với sức khoẻ người mặc và môi trường. Vậy PERC là thế nào; khả năng gây hại của PERC ra sao và liệu rằng có an toàn không cho người mặc đồ giặt khô?
- Perc hay tên đầy đủ là tetrachloroethylen là dung môi gốc Clo, công thức hoá học C2Cl4chất lỏng không màu có mùi ngọt, khả năng bay hơi cao và không cháy. Việc phơi nhiễm Perc đối với con người chủ yếu qua hô hấp, hàm lượng hấp thụ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nồng độ hoá chất, khối lượng cơ thể, nhịp thở và thời gian tiếp xúc. Perc khó có thể hấp thụ qua da nên con đường phơi nhiễm này ít được đề cập!
- Theo báo cáo của cơ quan chống độc chất và ô nhiễm, thuộc cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ EPA, sau khi phơi nhiễm vào cơ thể con người, Perc vào phổi và theo máu tới các cơ quan và bị tích tụ trong mỡ hoặc các bộ phận chứa mỡ. Thí nghiệm trên động vật đưa Perc vào cơ thể qua đường tiêu hoá chỉ ra perc ảnh hưởng trực tiếp đến mô mỡ, gan và thận. Tuy nhiên Perc không được vận chuyển qua nhau thai và do đó không gây ảnh hưởng tới thai nhi. Việc đào thải Perc ra ngoài chủ yếu qua đường khí thở và một số nhỏ trong nước tiểu.
- Khi được dùng đúng cách, PERC tương đối an toàn. Tuy nhiên hóa chất này cũng có nguy cơ gây ra một số rủi ro cho sức khỏe. Tác dụng không tốt thường thấy của PERC là: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn khi nồng độ Perc trong khí thở vượt quá 100 ppm hay 678 m3/mg.
3. Giặt khô – Có quá nguy hiểm?
Vậy có chăng đồ giặt khô nguy hiểm như nhiều người vẫn nghĩ? Có nhiều nghiên cứu và bài báo nói tới sự nguy hiểm của PERC, nhưng để đánh giá nguy cơ của nó ảnh hưởng tới sức khoẻ người sử dụng dịch vụ giặt khô lại là một vấn đề khác, hay như câu ngạn ngữ nổi tiếng của nhà hoá học Paracelsus thế kỷ 16: "Liều lượng tạo nên độc chất”
- Trên thực tế, những người mặc đồ giặt khô – (Ở đây đề cập tới công nghệ giặt khô tiêu chuẩn khép kín, với loại thiết bị giặt khô dry-to-dry thế 3 hoặc 4) vẫn có nguy cơ hít phải khí Perc còn sót lại trên bề mặt quần áo, tuy nhiên hàm lượng dư hoá chất này là rất bé và không gây ảnh hưởng gì đối với người bình thường khoẻ mạnh. Trên các phân tích của Perc đối với sức khoẻ con người, liều lượng bắt đầu gây ra các tác động vật lý đối với con người của Perc là 100 ppm và mức phơi nhiễm không gây tác hại đến sức khoẻ (NOAEL) Perc là 14 mg/kg/ngày. Thực tế theo đánh giá của EPA năm 1988, nồng độ PERC có trong quần áo sau giặt khô ảnh hưởng tới không khí xung quanh là ở mức cao nhất khoảng 4 mg/m3hay 0.75 ppm. Mới đây nhất vào năm 2011, mức độ phơi nhiễm Perc của các công nhân tại các xưởng giặt ở Bắc Âu đã được đánh giá, và kết luận hầu hết nồng độ phơi nhiễm hàng ngày của những công nhân này – những người có nguy cơ phơi nhiễm cao nhất, ở mức 3 – 6 ppm/ngày. Đây là mức nồng độ nằm trong mức giá trị TLVs cho phép đảm bảo không gây bất kỳ ảnh hưởng nào tới sức khoẻ của con người. (TLVs – Thresold limit values: Thông số thường được sử dụng trong các đánh giá độc chất và sức khỏe nghề nghiệp. Đây là mức giá trị giới hạn của một hợp chất hóa học đảm bảo những người làm việc với chất này hàng ngày không bị bất cứ ảnh hưởng gì tới sức khỏe, bao gồm cả ảnh hưởng tức thời và ảnh hưởng lâu dài. Giá trị này đốivới Perc được quy định từ 20 - 25 ppm tại tùy từng quốc gia).
- Tuy nhiên, nếu sử dụng những loại thiết bị giặt khô không có đầy đủ các chức năng (như sấy, chưng cất, thu hồi…) hay giặt khô theo kiểu thủ công thì lượng khí PERC thải ra môi trường và dư lượng PERC trên quần áo là bao nhiêu là việc khó có thể kiểm soát!
Một trong những nguyên nhân PERC đang được cấm sử dụng dần dần trong các tiệm giặt khô là do ảnh hưởng của PERC đến môi trường đặc biệt là lo ngại nguy cơ PERC ảnh hưởng tới thuỷ vực, các loài thuỷ sinh. Mặc dù tốc độ thay thế PERC sang giặt bằng các loại dung môi khác đang diễn ra nhanh chóng, song PERC hiện tại vẫn đang là loại dung môi phổ biến nhất trong ngành công nghiệp giặt khô. Các thiết bị giặt khô của các hãng máy thế giới sử dụng PERC mỗi năm vẫn được tiêu thụ hàng trăm chiếc nhờ các cải tiến và ứng dụng kỹ thuật phát triển nâng cao hiệu suất thu hồi và tuần hoàn PERC tới hơn 99% và do đó an toàn hơn đối với người sử dụng cũng như môi trường làm việc xung quanh.
MÔ HÌNH GIẶT LÀ SỬ DỤNG THIẾT BỊ NHẬP KHẨU KOREA CLEANTECH